Giáo sư - Viện sĩ Trần Đại Nghĩa (13/09/1913 – 09/08/1997) tên thật là Phạm Quang Lễ. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho nghèo ở xã Hòa Hiệp – huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.
Đỗ đầu kỳ thi Thành chung ở Mỹ Tho, ông lên Sài Gòn tiếp tục đi học.
Năm 1933, ông đỗ đầu hai kỳ thi Tú tài bản xứ - Ban Toán và đỗ hạng ưu Tú tài Tây - Ban Triết.
Năm 1935, một số trí thức và nhà giáo tiến bộ đương thời đã giúp đỡ và tạo điều kiện cho ông ông đi du học. Suốt mười một năm ở Pháp (1935-1946), ông đã tốt nghiệp nhiều trường Đại học quốc gia như Cầu – Đường, Điện, Mỏ, Bách khoa, Học viện Kỹ thuật Hàng không và nhiều chứng chỉ Khoa học cơ bản của Đại học Tổng hợp Sorbone. Ông cũng đã bí mật học thêm chế tạo vũ khí.
Tháng 5 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Paris dự hội nghị Fontainebleau, ông đã được gặp Bác. Ít ngày sau đó, ông cùng một số trí thức yêu nước tình nguyện theo Bác về Việt Nam với hơn một tấn tài liệu quý thuộc lĩnh vực chế tạo vũ khí.
Ngày 05 tháng 12 năm 1946, ông được Bác giao nhiệm vụ Cục trưởng Cục quân giới Bộ quốc phòng và đặt cho bí danh là Trần Đại Nghĩa. Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, trong điều kiện hết sức khó khăn, bằng sự nỗ lực và sáng tạo tuyệt vời, cùng với cán bộ - công nhân ngành quân giới, nhiều loại vũ khí mới ra đời (súng Bazoka, súng không giật SHZ…). Hiệu quả đã làm kinh ngạc giới quân sự các nước phương Tây.
Ông đã gánh vác nhiều cương vị quan trọng: Cục trưởng Cục quân giới, Cục trưởng Cục pháo binh, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước, Thứ trưởng Bộ Công thương, Viện trưởng đầu tiên của Viện Khoa học Việt Nam, Chủ nhiệm Báo Khoa học và Đời sống…
Ông được phong hàm Thiếu tướng trong đợt đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào năm 1948. Năm 1952, là trí thức đầu tiên được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô đã trao cho ông danh hiệu Viện sĩ Viện Hàn lâm vào năm 1967. Năm 1996, ông vinh dự nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về những công trình nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật chế tạo vũ khí.
Những năm cuối đời, ông cùng gia đình trở về quê hương miền Nam, sinh sống tại quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh. Với những cống hiến cho đất nước, với một nhân cách lớn và lý tưởng sống cao đẹp, Giáo sư - Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đã để lại sau lưng mình cả một huyền thoại.